Thời hậu chiến Iosif_Vissarionovich_Stalin

Khôi phục Liên Xô

Sau chiến tranh thế giới II, Liên Xô bị tàn phá ghê gớm. Tổn thất vật chất ước tính là 2,5 nghìn tỷ rúp, tương đương với 30% toàn bộ nguồn của cải của đất nước. Sự phát triển các ngành kinh tế quan trọng bị thụt lùi tới 10-15 năm. Khoảng 20 tới 27 triệu người Liên Xô đã chết trong chiến tranh.

Stalin đề ra một kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế và ông đã hoàn thành nó trong 4 năm 3 tháng. Đến năm 1950, Liên Xô đã đạt tổng sản phẩm quốc dân là 126 tỷ đôla (thời giá 1950), vượt mức trước chiến tranh và đứng thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ (381 tỷ đôla). Về khoa học - kỹ thuật và quân sự, vào ngày 10/10/1948, Liên Xô đã bắn quả tên lửa đạn đạo đầu tiên (P-1). Tiếp đến ngày 29/8/1949, bom nguyên tử được Liên Xô thử thành công, phá vỡ thế độc quyền vũ khí hạt nhân của Mỹ và đưa Liên Xô đạt thế cân bằng quân sự với Mỹ.

Về công nghệ, Liên Xô đã khởi động nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới. Đồng thời đất nước này còn chế tạo được tuốc-bin hơi nước có công suất 100 triệu oát, lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Công nghệ vũ trụ được Stalin chỉ đạo nghiên cứu, tạo tiền đề cho việc Liên Xô phóng tàu vũ trụ đầu tiên trên thế giới vào năm 1959.

Chiến tranh Lạnh và khối Đông Âu

Sau khi đánh bại Đức Quốc xã, các lực lượng quân sự Xô Viết đã đóng quân tại Trung và Đông Âu, ở những quốc gia này, họ hỗ trợ cho các lực lượng thân Xô Viết thiết lập chính phủ. Các chính phủ chống Cộng tại phương Tây và Hoa Kỳ xem đây là "sự bành trướng xã hội chủ nghĩa" tại châu Âu của Liên Xô, khi Churchill xem toàn bộ khu vực là một "Bức tường Sắt" và thành sân sau của Liên Xô.[235][236] Những quốc gia chủ nghĩa xã hội mới thành lập này ở Đông và Trung Âu thường được gọi là "Khối Đông Âu" hay "Khối Xô-viết".

Khối Đông Âu cho đến năm 1989

Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời ngày 7 tháng 10 năm 1949, với hiến pháp mới đẩy chủ nghĩa xã hội lên vị trí độc tôn và giúp Đảng Liên minh Xã hội ("SED") lên nắm quyền.

Tại Hội nghị Yalta, Stalin đã hứa là sẽ tổ chức bầu cử tự do tại Ba Lan,[237] sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý năm 1946,[238] gian lận bầu cử đã xảy ra bí mật để giúp những người cộng sản Ba Lan giành thắng lợi đa số trong cuộc bầu cử[239][240][241] Ngay tiếp sau đó, nền kinh tế Ba Lan bắt đầu kỷ nguyên quốc hữu hóa.[242] Tại Hungary, khi Liên Xô thành lập chính phủ xã hội chủ nghĩa, Rákosi Mátyás được đưa lên nắm quyền, ông được xem như là "học trò xuất sắc nhất của chủ tịch Stalin".[243][244] Rákosi áp dụng chiến thuật "sa-la-mi" bằng cách chia nhỏ các đối thủ chính trị ra như kiểu bánh sa-la-mi để tập trung quyền lực nhiều hơn cho chính phủ của ông.[245][246] Rákosi áp dụng đường lối chủ nghĩa Stalin trong chính trị kinh tế, điều này biến ông thành 1 nhà lãnh đạo với biệt danh "sát thủ đầu hói", chế độ của ông được xem là khắc nghiệt nhất châu Âu cho tới năm 1956, khi Rakosi bị thay thế bởi những người cộng sản ôn hòa hơn.[247][248] Xấp xỉ 350 nghìn người Hungary bị thẩm vấn hoặc bắt giam từ giữa năm 1948 đến 1956.[247]

Trong suốt chiến tranh thế giới lần hai, Hồng Quân Xô viết đã vượt biên giới, gầy dựng và hỗ trợ cho những người cộng sản tại đây làm cuộc đảo chính, lật đổ chính phủ thân Đức Quốc xã tại Bulgaria năm 1944.[249] Nhờ vậy mà các chỉ huy quân sự của lực lượng Hồng Quân nắm quyền lực rất cao, các lực lượng thân Liên Xô, đứng đầu là Kimon Georgiev nắm hoàn toàn tình hình chính trị trong nước.

Năm 1949, Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Bulgari, Tiệp Khắc, Cộng hòa Nhân dân hungary, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan và Cộng hòa Nhân dân Romania thành lập nên Hội đồng Tương trợ Kinh tế theo mong muốn của Stalin để làm tăng ảnh hưởng của Liên Xô tại Trung Âu và làm giảm ảnh hưởng của chính sách Kế hoạch Marshal của Hoa Kỳ dành cho châu Âu,[250][251] Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan có tỏ thái độ muốn được nhận viện trợ từ chương trình Marshal mặc dù họ biết rằng họ phải đáp ứng các điều kiện như cho phép trao đổi tiền tệ và thực hiện kinh tế thị trường. Vào tháng 7 năm 1947, Stalin ra sắc lệnh buộc các chính phủ thân Xô viết phải rút khỏi Hội nghị Pa-ri bàn về chương trình Tái thiết châu Âu. Điều này đã cho thấy rõ tình hình hậu Thế Chiến hai dẫn đến sự chia rẻ châu Âu thành hai phần riêng biệt.

Tại Hi Lạp, Anh và Hoa Kỳ ủng hộ phe chống cộng trong Nội chiến Hy Lạp và Liên Xô đứng về phe những người cộng sản. Mặc dù vậy, Stalin từ chối về việc can thiệp sâu vào tình hình tại Hi Lạp trong khi Anh-Mỹ thì liên tục tăng cường quân đội tấn công vào Hy Lạp, kết quả là những người cộng sản Hy Lạp đã bị khối chống cộng đánh bại và chính phủ quân phiệt Hy Lạp (1947-1964) ra đời. Albania vẫn duy trì mối quan hệ với Max-cơ-va trong khi Cộng hòa Liên bang Nam Tư lại nằm ở tư thế chống Liên Xô trong suốt thời gian chia rẽ giữa hai bên cho đến khi nó kết thúc vào năm 1955.

Quan hệ Trung – Xô

Mao tại lễ sinh nhật lần thứ 71 của Stalin tại Moskva, tháng 12 năm 1949

Tại châu Á, trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, Hồng Quân đã đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật để giành quyền kiểm soát Mãn Châu, rồi đến Triều Tiên cho tới vĩ tuyến 38. Năm sau, vùng Mãn Châu được trao trả cho Trung Quốc, Liên Xô cũng rút khỏi Triều Tiên, trao lại quyền quản lý cho chính phủ lâm thời Triều Tiên.

Sự bất đồng giữa Mao Trạch Đông và Stalin đã thể hiện ngay từ lúc khởi đầu. Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Stalin đã giúp đỡ cho chính phủ Tưởng Giới Thạch để chống lại quân Nhật và nhắm mắt làm ngơ để Tưởng Giới Thạch tàn sát những thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhìn chung, Stalin muốn giúp Tưởng Giới Thạch chống Nhật để giữ hòa khí giữa hai bên, ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc, Stalin đã ký hiệp ước bất tương xâm với Tưởng và đề nghị Mao Trạch Đông và những người Cộng sản Trung Quốc hợp tác với Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, Mao Trạch Đông không chấp nhận đề nghị này và bắt đầu cuộc chiến với Tưởng. Stalin không hề tin rằng Mao Trạch Đông có thể đánh bại Tưởng Giới Thạch nên ông ta đưa ra rất ít sự giúp đỡ cho Mao. Dù vậy, Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông vẫn giành được thắng lợi trước Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch vốn được hỗ trợ rất lớn từ Hoa Kỳ trong Chiến tranh Quốc – Cộng dù rằng họ rất ít khi được Liên Xô hỗ trợ. Điều này đã làm xấu đi tình hình quan hệ giữa hai bên kể từ khi Đảng Cộng sản giành được chính quyền tại Trung Hoa đại lục. Liên Xô vẫn tiếp tục giữ quan hệ ngoại giao với Quốc Dân Đảng của Tưởng cho đến khi Mao giành chiến thắng hoàn toàn.

Stalin cũng ủng hộ những người Thổ Hồi giáo ở Tây Trung Quốc để thành lập quốc gia riêng (Cộng hòa Đông Thổ) trong suốt nổi loạn, li khai chống Trung Hoa Dân Quốc. Ông ủng hộ lãnh đạo Cộng sản Hồi giáo Ehmetjan Qasim để chống lại các lực lượng chống cộng của Quốc Dân Đảng.

Khi Đảng Cộng sản của Mao Trạch Đông giành được chiến thắng tại đại lục và ép chính phủ Quốc Dân phải bỏ chạy ra đảo Đài Loan, Stalin đã nhận ra vị thế mới của Mao Trạch Đông. Liên Xô nhanh chóng công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông lãnh đạo. Đỉnh điểm của mốt quan hệ Trung – Xô thể hiện vào năm 1950 bằng một Hiệp ước thân thiện và hợp tác. Cả hai nước cùng nhau hỗ trợ quân sự cho quốc gia đồng minh ở bắc Triều Tiên để chống lại chính phủ phía Nam do Hoa Kỳ hậu thuẫn. Sau vài vụ xung đột ở biên giới hai miền, cuối cùng Chiến tranh Triều Tiên đã nổ ra vào năm 1950.

Triều Tiên

Lãnh đạo bắc Triều Tiên là Kim Nhật Thành từng là một chiến sĩ kháng chiến chống Nhật bền bỉ suốt 20 năm. Ông muốn chấm dứt tình trạng chia cắt Triều Tiên và thống nhất hoàn toàn đất nước. Stalin đã viện trợ đáng kể cho quân đội Bắc Triều Tiên của Kim Nhật Thành về cả lục quân và không quân, trong đó bao gồm các loại xe tăng T-34/85 và các cố vấn huấn luyện để hỗ trợ Kim Nhật Thành thành lập quân đội thực hiện mong muốn tái thống nhất đất nước Triều Tiên.

Quân đội Bắc Triều Tiên mở màn cuộc chiến vào ngày Chủ nhật, 25 tháng 6 năm 1950, vượt biên giới vĩ tuyến 38, nã pháo tấn công và tràn xuống Nam Triều Tiên[252] Trong suốt cuộc chiến Triều Tiên, các phi công Xô viết sử dụng máy bay của họ cất cánh từ căn cứ tại Trung Quốc để chống lại máy bay của Liên Hiệp Quốc với thành phần chủ yếu là không quân Mỹ.

Việt Nam

Cuối tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Bắc Kinh để bàn về vấn đề viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp tại Việt Nam, sau đó đi Moskva gặp gỡ Stalin và các lãnh đạo Trung Quốc (Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai) đang ở thăm Liên Xô. Stalin và Mao Trạch Đông đã khẳng định sẽ viện trợ vũ khí cho người Việt đánh Pháp: "Việt Nam cần trang bị 10 đại đoàn để đánh thắng Pháp, trước mắt hãy trang bị cho 6 đại đoàn có mặt ở miền Bắc. Việt Nam có thể đưa ngay một số đơn vị sang nhận vũ khí trên đất Trung Quốc. Tỉnh Quảng Tây sẽ là hậu phương trực tiếp của Việt Nam."

Ngay sau đó 1 tháng, chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Liên Xô cho Việt Nam được chuyển tới, bao gồm nhiều tấn thuốc men. Sau đó là các loại vũ khí khác nhau. Viện trợ vũ khí của Liên Xô cho Việt Nam được duy trì đều đặn suốt hàng chục năm, đã đóng góp một phần quan trọng vào trang bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt các cuộc chiến tranh sau đó (nguồn viện trợ chỉ chấm dứt cho tới khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991). Quan hệ ngoại giao hữu hảo với Liên Xô luôn được chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng, ngay cả với Nhà nước kế thừa là Liên bang Nga. Hiện nay, Liên bang Nga là nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.[253]

Qua đời

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, dưới sự lãnh đạo của Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô, kinh tế, xã hội đất nước đã được khôi phục nhanh chóng. Tới năm 1949, sản lượng kinh tế của Liên Xô đã đạt mức ngang bằng trước chiến tranh, sớm hơn kế hoạch gần 2 năm rưỡi. Cũng trong thời gian này, bom nguyên tử và bom khinh khí được chế tạo thành công ở Liên Xô. Liên Xô đã trở thành một siêu cường theo chủ nghĩa Cộng sản, đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh.

Ngày 1 tháng 3 năm 1953, sau khi ăn tối với Bộ trưởng bộ nội vụ Lavrenty Pavlovich Beria và ba thủ tướng tương lai Georgi Maximilianovich Malenkov, Nikolai Alexandrovich BulganinNikita Sergeyevich KhrushchevMoskva, Stalin ngã quỵ xuống ở trong phòng, ông chắc đã bị tai biến mạch máu não làm liệt bên phải của ông. Tuy các cận vệ lấy làm lạ ông không thức dậy như thường lệ vào hôm sau, nhưng họ đang có lệnh không được quấy rầy ông, cho nên cái chết của ông không được khám phá ra cho đến tối hôm đó. Bốn ngày sau, Stalin qua đời ngày 5 tháng 3 năm 1953, hưởng thọ 74 tuổi, và chôn cất ngày 9 tháng 3. Lý do chính thức của cái chết là chảy máu não. Thi hài ông được giữ trong Lăng Lenin đến ngày 31 tháng 10 năm 1961. Theo quá trình phi Stalin hóa, thi hài của ông bị mang ra khỏi lăng và được chôn tại khu nghĩa trang dành cho các nguyên thủ nước Nga (bên cạnh tường điện Kremlin). Cũng trong năm 1961, thành phố, mà từ 1925 được đặt theo tên ông, Stalingrad được đổi lại là Volgagrad.

Khi được tin về cái chết của Stalin, đất nước Israel đã công bố quốc tang nhằm ghi nhận công lao của ông trong việc ủng hộ người Do Thái thành lập nhà nước Israel độc lập.

Tại Việt Nam (khi đó đang được Liên Xô viện trợ để chống Pháp), có nhiều nhà văn viết bài tưởng nhớ ông. Theo nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, cơ quan Hội văn nghệ có cho ra "sưu tập Văn Nghệ số 40 ra 3-1953" để tưởng nhớ Stalin. Về thơ, Chế Lan Viên có bài Stalin không chết, của Huy Cận là bài Nhớ đồng chí Stalin. Nổi tiếng nhất là bài Đời đời nhớ Ông của Tố Hữu, sau đó là các bài của Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn. Xuân Diệu có bài Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin. Về phần văn xuôi, Phan Khôi có bài Một vị học giả mác-xít thiên tài. Lê Đạt ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất.[254]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Iosif_Vissarionovich_Stalin //nla.gov.au/anbd.aut-an35519349 http://www.unog.ch/80256EDD006B8954/(httpAssets)/3... http://www.artukraine.com/famineart/uscongr4.htm http://atlasandco.com/images/uploads/samples/pdf/I... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/08/140819... http://www.bbc.com/vietnamese/world-42706444 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513251/R... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/513737/R... http://www.britannica.com/eb/article-28216 http://www.chriskaplonski.com/downloads/bullets.pd...